Thông tin, những điều cần biết Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, TẦM QUAN TRỌNG CỦA DỰ ÁN
1. Mục đích, ý nghĩa: Hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược để phát triển đất nước, trong đó vấn đề hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm. Chiến lược xác định: "tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu". Để thực hiện nhiệm vụ đó, chiến lược cũng chỉ ra các mục tiêu, giải pháp là “Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới. Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm. Đến năm 2030, phần đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông..." và "nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trong đó có cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột”. Như vậy, việc đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông là vấn đề quan trọng được Đảng ta luôn quan tâm. Triển khai Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột chính là hiện thực hóa các mục tiêu, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Đảng đề ra.
Bên cạnh đó, triển khai Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột còn phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là "ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải”.
2. Tầm quan trọng của dự án: Tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
2.1. Góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế trong vùng Theo quy hoạch năm 2020, cả nước phải có 22 tuyến cao tốc, dài 5.870 km. Nhưng đến đầu năm 2022, cả nước chỉ mới có khoảng 1.000 km, chưa đầy 20% kế hoạch, với mỗi năm chưa tới 50 km. Mục tiêu Chính phủ đưa ra: đến năm 2025, cả nước có thêm 729 km đường bộ cao tốc, trong đó có Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Đây là một nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho ngành giao thông vận tải, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm, quyết tâm, khát vọng của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, sớm hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ cao tốc, để giao thông không còn điểm “nghẽn” cản trở của sự phát triển kinh tế.
So với các khu vực khác trong cả nước, mạng lưới đường bộ của vùng Tây Nguyên hiện nay được đánh giá là yếu. Phần lớn các tuyến Quốc lộ mới dừng ở 2 làn xe. Hệ thống đường tỉnh của các địa phương trong vùng được quy hoạch với quy mô 2 làn xe rộng 8 m. Các tuyến đường cao tốc trong khu vực chưa được đầu tư.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành sẽ là một trong các tuyến trục dọc xuyên vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ, không chỉ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ mà còn kết nối với các vùng kinh tế khác trong cả nước. Bên cạnh đó, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đưa vào khai thác sẽ phá vỡ thế độc đạo, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 26, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.
2.2. Hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải của vùng Tây Nguyên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn là huyết mạch của nền kinh tế. Trên thế giới, quốc gia nào có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kinh tế đều phát triển. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, các địa phương, khu vực được đầu tư hệ thống đường cao tốc, sau khi đưa vào sử dụng, các địa phương khu vực đó đều có nền kinh tế phát triển năng động hơn so với các địa phương khu vực khác.
Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ của Tây Nguyên còn yếu kém, chưa hoàn chỉnh, Quốc lộ 26 là tuyến giao thông huyết mạch, con đường độc đạo chạy từ Thành phố Buôn Ma Thuột đến trung tâm thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng còn quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết; chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Việc đầu tư cho giao thông vùng Tây Nguyên trước đây cũng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Việc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông của Vùng Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đưa đời sống kinh tế của người dân và khu vực phát triển cùng với cả nước.
II. CÁC CÂU HỎI VÀ GIẢI ĐÁP
Để giúp các cấp, các ngành cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng tài liệu hỏi - đáp như sau:
Câu hỏi 1: Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 có chiều dài, điểm đầu và điểm cuối, chia thành bao nhiêu dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư là bao nhiêu?
Trả lời: Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 117,5 km, điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối kết nối với Đại lộ Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Quy mô dự án 4 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, vận tốc thiết kế 80 - 100km/giờ. Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.
Cụ thể:
+ Dự án Thành phần 1: Do tỉnh Khánh Hòa làm Chủ đầu tư với tổng chiều dài 34 km.
+ Dự án Thành phần 2: Do Ban QLDA Giao thông 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, có tổng chiều dài 35,5 km (km 34 + 00 – km 69 + 500).
+ Dự án Thành phần 3: Do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đâu tư có tổng chiều dài 48.0 km (km69 + 500 - km117 + 500).
Câu hỏi 2: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk Cao tốc đi qua các huyện nào, trên địa bàn huyện Krông Pắc qua các xã nào?
Trả lời: Cao tốc đi qua 05 huyện: M’Đrắk; Krông Bông; Ea Kar; Krông Pắc; Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột;
Đoạn qua huyện Krông Pắc qua 08 xã Hòa Đông; Ea Knuếc; Ea Kênh; Ea Yông; Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy và Vụ Bổn.
Câu hỏi 3: Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 địa điểm đầu tư gồm các huyện nào, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện?
Trả lời:
- Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk; địa điểm đầu tư: Các huyện Cư Kuin, Krông Pắc và Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư xây dựng: Chiều dài đầu tư Dự án thành phần 3 dự kiến khoảng 48,0Km: Điểm đầu tại khoảng Km69+500 thuộc địa bàn huyện Ea Kar, điểm cuối tại khoảng Km117+500 thuộc địa bàn huyện Krông Pắc. Được đầu tư với Quy mô 04 làn xe phân kỳ, mặt cắt ngang nền = 17m; tốc độ khai thác đạt 80km/h (các yếu tố bình đồ, mặt cắt dọc thỏa mãn tốc độ thiết kế 100km/h); riêng đối với làn dừng khẩn cấp được bố trí không liên tục với khoảng cách từ 4 - 5 km/vị trí, bảo đảm an toàn khai thác (phù hợp Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT); tổng mức đầu tư: 6.485 tỷ đồng (Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội), trong đó: sơ bộ chi phí GPMB là 1.588 tỷ đồng; sơ bộ các chi phí xây dựng, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và dự phòng phí: 4.897 tỷ đồng; Thời gian thực hiện: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Câu hỏi 4: Thông tin về đoạn cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua huyện Krông Pắc, Tiến độ bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng?
Trả lời:
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện Krông Pắc với chiều dài khoảng 33,314 km, đi qua địa bàn 08 xã: Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Kênh, Ea Yông, Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy và Vụ Bổn cụ thể:
Sơ bộ tổng diện tích GPMB là 180,59ha/32,2km, bao gồm: Đất nông nghiệp là 93,37ha gồm đất trồng lúa (43,52ha) và đất nông nghiệp khác (49,85ha); đất ở là 15,69ha; đất trồng cây lâu năm là 25,69ha; đất rừng sản xuất là 41,83ha gồm đất rừng sản xuất (7,89ha) và đất QH rừng sản xuất (33,94ha); đất khác là 4,01ha.
Về số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 206 hộ dân, trong đó có 157 hộ dân thuộc diện cần phải tái định cư. Tập trung chủ yếu tại 03 nút giao gồm: nút giao giữa đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giao với đường huyện tại xã Vụ Bổn; giao với Tỉnh lộ 9 tại xã Tân Tiến và giao với Tỉnh lộ 10 (quy hoạch nối dài) tại xã Ea Knuếc.
Tiến độ bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng:
Bắt đầu từ ngày 12/10/2022 đến ngày 30/6/2023, cụ thể các mốc thời gian như sau:
- Từ ngày 02/11 đến 19/11/2022: Tiến hành tiếp nhận và bàn giao mốc của Ban QLDA ĐTXD CTGTNNPTNT tỉnh tại thực địa (chia làm nhiều đợt bàn giao, đợt 1bàn giao sau 15 ngày kể từ ngày bắt đầu cắm móc). Đơn vị phối hợp là UBND huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND 08 xã Hòa Đông; Ea Knuếc; Ea Kênh; Ea Yông; Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy, và Vụ Bổn. Trong thời gian này, Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An chủ động rà soát, đánh giá thực trạng đất lâm nghiệp của đơn vị được giao quản lý bị tác động, ảnh hưởng khi thực hiện dự án và tổ chức quay video hiện trạng đối với khu vực của dự án. Giao UBND các xã có tuyến cao tốc đi qua có trách nhiệm thông báo, kiểm tra và ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất trái phép để trục lợi. Tiến hành khảo sát nhu cầu tái định cư của Dự án.
- Từ ngày 05/11 đến ngày 15/11/2022: Điều tra chi tiết nhu cầu tái định cư Hoàn thành công tác đo đạc; thiết kế kỹ thuật các dự án xây dựng và Khu tái định cư. Yêu cầu sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thành công tác đo đạc.
- Từ ngày 30/01/2023 đến 30/6/2023: Hoàn thành lập phương án thẩm định, phê duyệt xong công tác GPMB; bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng Dự án đủ điều kiện tái định cư.
- Hiện nay đã nhận bàn giao 1.959cọc/33,314Km toàn tuyến trên địa bàn 08 xã, gồm: Vụ Bổn, Ea Uy; Tân Tiến; Hòa Tiến; Ea Yông; Ea Kênh; Ea Knuếc; Hòa Đông.
Câu hỏi 5: Xây dựng Khu tái định cư ở đâu?
Trả lời: Huyện đã quy hoạch 03 khu tái định cư tại 03 xã Ea Knuếc, Tân Tiến và Vụ Bổn với Tổng diện tích khoảng 14,5 ha, trong đó: tại xã Ea Knuếc: 03 ha, xã Tân Tiến: 08 ha, xã Vụ Bổn: 3,5 ha; tuy nhiên nhu cầu tái định cư và số sộ dân đủ điều kiện tái định cư ít ( Chỉ có 14 hộ đủ điều kiện tái định cư: Eaknuếc 03, Eakênh 01, Tân Tiến 04, Vụ Bổn 06) nên huyện không xây dựng khu tái định cư mà bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện tái định cư tại 03 khu vực: Khu đô thị Đông Bắc thị trấn Phước An, Khu dân cư nông thôn Ea Kênh, Khu dân cư nông thôn Ea Knuếc)
Câu hỏi 6: Số hộ dân bị ảnh hưởng, hộ dân có thu hồi đất ở là bao nhiêu?
Trả lời: Số hộ dân bị ảnh hưởng 1480 hộ dân , trong đó có 206 bị ảnh hưởng đất ở. Tập trung chủ yếu tại 03 nút giao gồm: nút giao giữa đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giao với đường huyện tại xã Vụ Bổn; giao với Tỉnh lộ 9 tại xã Tân Tiến và giao với Tỉnh lộ 10 (quy hoạch nối dài) tại xã Ea Knuếc.
Câu hỏi 7: Áp giá mức trích kinh phí, nội dung chi, mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định nào?
Trả lời: Áp dụng theo Quyết định số: 08/2016/QĐ-UBND, ngày 09/3/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk “Ban hành Quy định về nguồn, mức trích kinh phí, nội dung chi, mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Câu hỏi 8: Áp giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng thực hiện theo quy định nào?
Trả lời: Áp dụng theo Quyết định số: 10/2020/QĐ-UBND, ngày 13/4/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk “về việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; Quyết định 10/2023/QĐ- UBND “ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh về việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi.
Câu hỏi 9: Áp giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất khi nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định nào?
Trả lời: Áp dụng theo Quyết định số: 13/2017/QĐ-UBND, ngày 16/3/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk “về ban hành Quy định giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
Câu hỏi 10: Áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất khi nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định nào?
Trả lời: Áp dụng theo Quyết định số: 14/2022/QĐ-UBND, ngày 15/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk “về ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số: 37/2014/TT-BTNMT, ngày 30 tháng 06 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Câu hỏi 11: Thực hiện theo quy định nào về bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện?
Trả lời: Áp dụng theo Quyết định số: 22/2022/QĐ-UBND, ngày 03/7/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk “về ban hành bảng giá và quy định bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2024”; Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND “ về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk”;Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định về giá đất; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định về khung giá đất; Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Khoá IX, Kỳ họp bất thường về Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh giai đoạn 2020 – 2024.
Câu hỏi 12: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua địa bàn huyện Krông Pắc gồm có các ông (bà) nào?
Trả lời: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua địa bàn huyện Krông Pắc gồm các ông (bà) có tên sau đây:
Chủ tịch Hội đồng: Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện
Các Phó Chủ tịch Hội đồng: Ông Y Djoang Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện; Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Đặng Minh Đức - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.
Thư ký: Ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất; ông Phan Xuân Lâm - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường;
Các thành viên: Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng; ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT; bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch; ông Đỗ Anh Chiến - Chỉ huy trưởng BCHQS huyện; ông Nguyễn Duy Lộc - Trưởng Công an huyện; ông Lê Anh Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện; ông Nguyễn Văn Oánh - Chánh Thanh tra huyện; bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng Phòng Lao động TB&XH; ông Đoàn Đại Lý - Chánh Văn phòng HĐND và UBND; ông Nguyễn Đình Hải - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin; bà Hoàng Thị Như Anh - Trưởng Phòng Tư pháp; ông Phạm Hồng Thái - Trưởng Phòng Dân tộc; ông Lăng Trọng Dương - Giám đốc Chi nhánh VPĐK đất đai; ông Hà Duy Đạt - Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện; ông Bùi Khắc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và Chủ tịch, phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND xã, Mặt trận, ban ngành, đoàn thể, Công an, Quân sự của xã, Bí thư, Trưởng các thôn, buôn nơi có dự án đi qua.
Câu hỏi 13: Tổ tuyên truyền vận động giải quyết đơn thư khiếu nại bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn đi qua địa bàn huyện Krông Pắc gồm có các ông (bà) nào?
Trả lời: Tổ tuyên truyền vận động giải quyết đơn thư thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn đi qua địa bàn huyện Krông Pắc gồm các đồng chí có tên sau đây:
Tổ trưởng: Ông Nguyễn Văn Oánh - Chánh Thanh tra huyện;
Tổ phó: Phan Xuân Lâm - Phó trưởng phòng TN&MT;
Các thành viên: Bà Hoàng Thị Như Anh - Trưởng phòng Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Minh - Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện; ông Nguyễn Đình Công - Chuyên viên phòng TN&MT; Chủ tịch UBND các xã Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Kênh, Ea Yông, Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy và Vụ Bổn.
Câu hỏi 14: Dự án đi qua thì đền bù như thế nào, cách thức và mức giá như thế nào?
Trả lời: Hiện nay đã tiến hành ban hành thông báo thu hồi đất trên địa bàn các xã có cao tốc đi qua, sau đó tiến hành kiểm đếm và áp giá đền bù. Liên quan đến giá đền bù, huyện Krông Pắc đã thuê các đơn vị tiến hành đo đạt, kiểm đến công khai, sau đó công khai minh bạch trong vòng 20 ngày để trưng cầu ý kiến của người dân để thống nhất trước khi thực hiện.
Câu hỏi 15: Người dân rất ủng hộ chủ trương của nhà nước, nhưng mong muốn công tác áp giá đền bù theo quy định của nhà nước phải công khai, minh bạch, tiền đền bù liệu có đủ để tái định cư có cuộc sống ổn định hay không?
Trả lời: Sau khi thông báo thu hồi đất thì mới áp giá đền bù, lúc đó mới có bàn bạc về giá đất, giá từng loại tài sản trên đất; tất cả các phương án đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Sau khi có tài liệu UBND huyện chỉ đạo các xã photocopy đóng thành tập cung cấp cho các thôn, buôn và đăng trên cổng thông tin điện tử của xã để người dân nghiên cứu.
Giao Đảng ủy, UBND các xã xây dựng tài liệu tuyên truyền cung cấp cho người dân nắm thông tin đề cùng phối hợp thực hiện. Đồng thời khảo sát nắm tình hình thực tế để xây dựng các phương án cụ thể, giúp người dân tái định cư đảm bảo cuộc sống bằng hoặc cao hơn so với trước.
Câu hỏi 16: Hiện nay người dân chưa biết hướng tuyến, nhưng việc gieo trồng phải tiến hành, đề nghị phải thông báo kịp thời để người dân biết không gieo trồng trên khu vực đó?
Trả lời: Liên quan đến việc trồng hoa màu, tỉnh đã có văn bản cấm phát sinh hoa màu trên đất; UBND huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi kèm theo trích lục để bà con biết chấp hành việc không phát sinh hoa màu trên đất.
Câu hỏi 17: Trên địa bàn huyện Krông Pắc có bao nhiêu điểm kết nối với Cao tốc và vị trí tại đâu?
Trả lời: Trên địa bàn huyện Krông Pắc có 03 điểm kết nối với Cao tốc, vị trí tại xã Ea Knuếc, Tân Tiến và Vụ Bổn. đây là thuận lợi rất lớn để giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, về bản đồ hướng tuyến, UBND huyện thiết lập niêm yết công khai trước trụ sở UBND các xã để người dân biết.
Câu hỏi 18: Gia đình tôi có đất nằm trong Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn đi qua địa bàn huyện Krông Pắc. Nếu chưa hiểu rõ về chủ trương, các quy định của Nhà nước, gia đình tôi muốn được tư vấn thì gặp ai?
Trả lời: Gia đình ông, bà gặp trực tiếp Tổ kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của xã mà gia đình ông, bà có đất được bồi thường. Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ phó và thành viên đại diện các ban ngành, đoàn thể xã làm thành viên “có trách nhiệm tiếp nhận, phát tờ khai; thu thập, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất đai, tài sản gắn liền với đất; xác nhận các loại giấy tờ pháp lý khác có liên quan phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa -Buôn Ma Thuột theo kế hoạch được phê duyệt và theo quy định của pháp luật”.